Luật đầu tư

ĐÒI LẠI SỐ TIỀN DO BỊ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

  1. Tóm Tắt

Em gái tôi đi xuất khẩu lao động ở Nhật gửi tiền về nhờ bố mẹ giữ. Cách đây một năm, em nói muốn mua nhà để sang năm về ổn định cuộc sống.

Bố mẹ tôi qua môi giới gặp hai thanh niên bán căn hộ chung cư. Hai người này cho bố mẹ tôi xem sổ đỏ gốc hẳn hoi, rồi làm thủ tục.

Song khi bố mẹ tôi giao được một nửa tiền, hẹn ngày đi công chứng thì không liên lạc được. Sau này, cơ quan công an liên lạc, gia đình tôi mới biết có vài người cũng bị lừa như ông bà. Hai người đó bị bắt, hiện bị kết án tù.

Xin hỏi bố mẹ tôi làm sao đòi lại tiền?

2. Tư vấn

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Tư Vấn Luật C.Law Việt Nam. Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người bị lừa sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại. Quá trình điều tra, người bị hại sẽ được lấy lời khai, trình bày quan điểm của họ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can đối với người bị hại.

Khi xét xử, nếu người lừa đảo bị kết tội thì ngoài hình phạt tù họ còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trả lại tài sản đã chiếm đoạt) cho người bị hại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung), trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:

  1. a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
  2. b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
  3. c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
  4. d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật này.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

  1. a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
  2. b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
  3. c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
  4. d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Như vậy, với các quy định nói trên thì gia đình bạn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án cũng có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án kể cả khi gia đình bạn không làm đơn.

Sau khi ban hành quyết định thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ phân công chấp hành viên thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc có thu hồi được tài sản, trả lại cho người bị hại hay không thì tùy thuộc vào điều kiện thực tế, khả năng thi hành án của người phải thi hành.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty cổ phần tư vấn Luật C.Law qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 090 2631113

E-mail: congtyluatclawvietnam@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *