Pháp luật quy định như thế nào về việc đòi lại đất đã được tặng cho?
Căn cứ Điều 459 BLDS 2015, việc tặng cho đất đai được quy định như sau:
“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa các bên đã có hiệu lực, bên nhận tặng cho đã hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên theo quy định (được đứng tên trên sổ đỏ) thì đất đã thuộc sở hữu của bên nhận tặng cho. Do đó, bên tặng cho không có quyền đòi lại quyền sử dụng mảnh đất đó nữa.
Tuy nhiên, có trường hợp nào người tặng cho được quyền đòi lại đất không?
CÓ. Mặc dù pháp luật đất đai không quy định cụ thể về quyền đòi lại đất của người tặng cho, tuy nhiên, vấn đề này được pháp luật dân sự quy định gián tiếp như sau:
Trường hợp 1: Đòi lại đất khi việc tặng cho vô hiệu
Căn cứ Điều 122 BLDS 2015, việc tặng cho đất sẽ vô hiệu khi rơi vào các trường hợp sau:
1. Chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
2. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
4. Hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức (không lập thành văn bản, không công chứng, chứng thực,…).
Theo đó, các bên sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nếu bên tặng cho chứng minh được hợp đồng tặng cho đất vô hiệu. Như vậy, người tặng cho có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó vô hiệu.
Trường hợp 2: Đòi lại đất khi tặng cho có điều kiện
Căn cứ Điều 462 BLDS 2015, việc tặng cho tài sản có điều kiện được quy định như sau:
“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Với quy định trên, đối với trường hợp tặng cho có điều kiện thì bên tặng cho có thể yêu cầu bên nhận tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Do đó, người tặng cho có thể đòi lại đất đã tặng cho trong trường hợp là tặng cho đất có điều kiện và bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho.
Ví dụ: bố mẹ cho con trai đất với điều kiện là con phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ nhưng con trai bất hiếu, không thực hiện nghĩa vụ thì bố mẹ có quyền đòi lại đất đã cho.
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN LUẬT C.LAW VIỆT NAM
: Tư vấn miễn phí
: 0902631113
Email: congtyluatclawvietnam@gmail.com
Website: luatclaw.vn
Địa chỉ: Số 107 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội.